Gửi tin nhắn qua điện thoại di động khi đang ngồi họp, lướt bảng tin trên mạng xã hội lúc đang họp online, lén kiểm tra email dưới gầm bàn trong khi đang ăn tối cùng gia đình,… Nghe quen thuộc quá, phải không nào? Bạn có bắt gặp bản thân mình trong một (vài) ví dụ kể trên không?
Thế hệ Millenials chúng mình – chào đời trong khoảng từ 1980 – 2000, thế hệ trưởng thành trong giai đoạn chuyển giao thiên niên kỷ và chứng kiến từng bước phát triển của công nghệ – có bao giờ nhận thực được rằng hiện tượng đa nhiệm trong thời hiện đại, nghĩa là làm nhiều việc trong cùng một lúc, hóa ra lại đem đến cho mình nhiều mặt tiêu cực hơn là khía cạnh tích cực.
Bản thân là một người có nghiên cứu về ngôn ngữ, có một từ thú vị về tiếng Anh mà mình muốn chia sẻ cùng mọi người như sau: đó là từ ưu tiên (priority). Khi từ này đầu tiên xuất hiện trong kho từ vựng tiếng Anh vào khoảng thế kỷ mười lăm, nó chỉ là một từ ám chỉ số ít, có nghĩa là điều duy nhất có tầm quan trọng trước tiên và hơn hết. Phải đến những năm 1900 chúng ta mới bắt đầu sử dụng dạng thức số nhiều cho từ này (priorities) và trong thế giới hiện đại ngày nay, khi chúng ta luôn phải cố gắng tìm cách cân đối giữa vô số những hoạt động khác nhau, người ta thường cảm thấy như thể tất cả mọi thứ và đồng thời chẳng có thứ gì là ưu tiên cả.
Phần lớn mọi người sẽ nói rằng đa nhiệm là một kỹ năng cần thiết để có thể làm việc hiệu quả trong thế giới bận rộn ngày nay. Tuy nhiên, các nghiên cứu tâm lý học lại chỉ ra rằng làm nhiều việc cùng lúc sẽ giảm hiệu suất công việc. Đa nhiệm khiến tiến độ công việc của bạn chậm lại, dẫn đến nhiều sai sót hơn, gia tăng căng thẳng và lo âu nhưng đây lại là một thói quen gây nghiện. Nói cách khác, đa nhiệm làm gia tăng sự phân tâm và giảm năng suất lao động.
Vậy làm thế nào để ta có thể tăng hiệu quả công việc? Học tập qua cuốn Deep Human – 5 siêu kĩ năng thiết yếu trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mình nhận ra rằng liều thuốc giải ở đây, dĩ nhiên sẽ là “đơn nhiệm”, nghĩa là chỉ hoàn toàn tập trung vào một hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi. Chỉ tập trung viết báo cáo trong vòng ba mươi phút. Trả lời email với sự chú tâm hoàn toàn thay vì vừa kiểm tra hộp thư vừa lướt mạng xã hội. Khi nói chuyện qua điện thoại, đừng tiện tay mở vài trang website trên máy tính mà hãy tập trung tuyệt đối vào nội dung của cuộc trao đổi. Và đừng quên áp dụng những quãng nghỉ ngắn xen kẽ giữa các nhiệm vụ bởi não bộ khó có thể tập trung trong một thời gian dài. Bằng cách này, bạn sẽ tối ưu hóa được chức năng của não bộ.
Hơn thế nữa, bạn nên tắt các tính năng hiển thị thông báo và lời nhắc trên email bởi những tính năng này vốn được thiết kế để lôi kéo sự chú ý của bạn khỏi bất kỳ thứ gì mà bạn đang dành sự tập trung của mình vào. Tương tự, hãy đặt điện thoại ở chế độ im lặng và để nó ở một vị trí ngoài tầm mắt của bạn, như vậy bạn sẽ giảm được đáng kể những yếu tố gây phân tâm và nâng cao khả năng gắn kết với người khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi chiếc điện thoại nằm trong tầm mắt của bạn thì dù là khi bạn đặt nó nằm úp, nó vẫn có thể làm giảm sự tập trung của bạn cũng như sự tập trung của người đang muốn nói chuyện với bạn.
Hãy thử thực hành đơn nhiệm trong vòng một tuần để xem bạn có thể làm được nhiều việc hơn, chất lượng công việc có cải thiện hơn không và điều này có thể tác động ra sao đến tình trạng căng thẳng của bạn. Kết quả thu về có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên đấy!