Có một sự thật là: Chẳng ai thèm ngồi nghe một thằng nghiện nói hươu nói vượn cả, nhưng chắc chắn sẽ nghe một người đã cai nghiện thành công kể về quá trình cai nghiện đầy gian nan của mình, từ đó rút ra những bài học, những lời khuyên bổ ích. Hay như việc mọi người sẽ nghe và tin những doanh nhân thành đạt kể chuyện con đường thành công, chứ không phải một kẻ thất nghiệp bết bát bốc phét sự đời…
Cái này mình thấy giống như kịch bản chung của đại đa số các cuốn Self Help mình biết. Các tác giả thường bắt đầu từ câu chuyện về cuộc đời của mình hoặc một nhân vật, ví dụ tên Bùi Văn H nào đó, trải qua nhiều sóng gió, đổ vỡ, nỗi bất hạnh… rồi vào một ngày đẹp trời nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng, thức dậy và thấy mặt trời chân lý chói qua tim, y đã quyết tâm không chịu sống mãi như thế mà dậy khỏi giường đi đánh răng rửa mặt, à quên, vực dậy tinh thần và bắt đầu hành động với một lý tưởng cao đẹp nào đó. Trên hành trình thực hiện lý tưởng ấy, H có thể vấp ngã, thất bại nhiều lần nhưng y nhất quyết không gục ngã, và cuối cùng anh ấy đã thành công.
Mục đích chung và ý nghĩa không thể phủ nhận được của các cuốn Self Help là giúp cho chúng ta tiến bộ trong nhận thức, tư duy, từ đó nhằm TẠO ĐỘNG LỰC, TIẾP NĂNG LƯỢNG cho người đọc.
Tuy nhiên, chúng ta đều không phải là “những kẻ nghiện”, cũng không phải ai cũng tên H, mỗi người một cuộc đời riêng và các nhân vật mà những cuốn Self Help đề cập đến chỉ là một vài ví dụ trong hàng tỉ con người thật ngoài xã hội.
Vậy nên theo mình, việc đọc sách Self Help sẽ trở nên HOÀN TOÀN VÔ NGHĨA nếu chúng ta chỉ đọc, gật gù tâm đắc khen hay rồi lại bỏ đó, tệ hơn là TIN TUYỆT ĐỐI vào sách vở rồi nảy sinh ảo tưởng rằng chỉ cần mình làm như trong sách thì nhất định sẽ thành công, chưa kể đến việc hiện nay có nhiều sách Self Help mang hơi hướng cá nhân nhiều quá, nhiều lời lẽ sáo rỗng, thiếu nền tảng chính thống…
Điều quan trọng không phải là bạn đọc được bao nhiêu sách, mà là vận dụng được bao nhiêu kiến thức bổ ích từ sách.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy.
Nói chung là, PHẢI – ÁP – DỤNG – NHỮNG – THỨ – TRÊN – SÁCH – VỞ – VÀO – THỰC – TẾ. Trên lý thuyết là vậy, thế nhưng vận dụng nó ra làm sao thì không phải ai cũng làm tốt được. Nó không phải là việc bạn vận dụng một cách máy móc, rập khuôn mọi điều được học. Ví dụ như trên lớp thầy dạy Hóa bảo H20 là công thức Hóa học của NƯỚC, thế là ra chơi bạn cầm 10 nghìn xuống căng tin bảo cô bán hàng: Cô ơi bán cho cháu 1 chai “hát hai ô” đào!
Ở đây mình sẽ lấy 2 ví dụ nhỏ về việc mình đã vận dụng những kiến thức sách vở vào thực tế ra sao nhé! (2 bài học này mình học được từ cuốn “Đắc Nhân Tâm”).
1. Để mọi việc luôn suôn sẻ, hãy luôn ghi nhớ tên của họ mỗi khi giao tiếp
Hiện tại mình chưa đi làm chính thức ở đâu cả, tuy nhiên mình đang đi dạy thêm tiếng Trung. Mình dạy nhiều đối tượng, kém – bằng – hơn tuổi đều có. Khi nhận dạy một ai đó hay một nhóm bạn nào đó, mình luôn cố gắng ghi nhớ tên của họ ngay từ buổi gặp đầu tiên. Có những em nhỏ mình không trực tiếp trao đổi với các em mà phải thông qua phụ huynh, trong những cuộc trò chuyện của mình luôn nhắc đến tên các em: Bạn A nhà chị đang thế này, thế kia… Mặc dù chị phụ huynh đó có thể không nói ra, nhưng mình tin rằng họ ít nhiều sẽ thấy yên tâm vì con em mình được cô giáo quan tâm. Mình thấy việc ghi nhớ tên, hay thậm chí những thông tin liên quan đến người đó sẽ giúp chúng ta ghi điểm hơn khi trò chuyện với họ.
2. Trước khi phê bình hãy khen ngợi
Ngày trước mình sốc nổi lắm, mỗi khi bạn nào đó đưa ra ý kiến riêng về một vấn đề gì đó trong những buổi thảo luận ở lớp, mình ngay lập tức sẽ chỉ ra những thiếu sót, quan điểm không đúng trong lời nói của bạn ấy. Nhưng lớn hơn, mình nhận ra rằng một lời bình luận/ phê bình/ phản biện hay không phải bắt đầu từ PHẢN ngay, mà phải KHEN trước đã. Thế nên, mình dần học được cách bắt đầu những lời bình luận về ý kiến của ai đó bằng một lời khen, học cách tìm được ưu điểm trong quan điểm, cách trình bày vấn đề của đối phương. Dù trong trường hợp đối phương nói không hợp lý chút nào cũng phải tìm ra chỗ mà khen. Trong thời gian ngắn chưa tìm được thì có thể khen nay bạn ấy đẹp trai/ xinh gái thế, nói hay thế, viết đúng chính tả thế. Không xinh thì khen quần áo đẹp, quần áo không đẹp thì khen giày đẹp, không cái nào đẹp thì khen nay trời đẹp thế… Trời mà cũng không đẹp nữa thì nên bắt đầu bằng lời “Cảm ơn” vì đã nêu ra ý kiến…
Mình vận dụng cả điều này mỗi khi chấm bài cho học sinh, dù bài tốt hay chưa tốt thì mình cũng bắt đầu bằng một sự khen ngợi, tán thưởng. Mình nghĩ ai cũng xứng đáng được khen thưởng hết, và khi được khen thì con người ta cũng sẽ yêu đời hơn.
Sách Self Help suy cho cùng là một dạng thức truyền cảm hứng, giúp ta có cái nhìn sâu hơn về cuộc sống. Nhưng một đứa lười học không thể nào chỉ nhờ những lời động viên, truyền cảm hứng mà có thể đỗ cấp 3, đỗ Đại học được cả. Đọc Self Help rồi Help Yourself, như vậy mới có được thành quả của chính mình. “CÓ LÀM THÌ MỚI CÓ ĂN, chấm chấm chấm”.