Trải qua một chặng đường đi học và đi làm tại Nhật Bản, hôm nay, mình xin được mạnh dạn tổng hợp lại các “KỸ NĂNG” cần thiết mà mình đã đúc kết, học hỏi trong nhiều năm qua để gửi đến các bạn những chia sẻ thật lòng nhất.
Mình hiểu rằng, mình vẫn còn thiếu nhiều thứ, nhiều kỹ năng nhưng hy vọng những điều mình chia sẻ ở dưới đây, nó sẽ hữu ích với một bạn nào đó đang có ý định đi du học, chuẩn bị đi du học và đang trong cuộc sống du học.
I. KỸ NĂNG GIAO TIẾP
Học tập tại nước ngoài, đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội tiếp xúc với các quốc gia, nền văn hoá khác nhau, vậy nên, chúng ta cần làm gì để có thể giao tiếp tốt:
Chủ động mở lời trước, đừng đợi người khác đến bắt chuyện với mình:
Chủ động bắt chuyện với bạn bè trong lớp, nói chuyện về cuộc sống của mình, chia sẻ với nhau cách học tập sao cho hiệu quả. Đặc biệt, việc chủ động trao đổi với giáo viên mình nghĩ cực kỳ quan trọng, nó không chỉ giúp bạn nâng cao khả năng tiếng Nhật mà còn hiểu sâu hơn về những vấn đề bạn thắc mắc. Hồi còn đi học, nếu có bài tập nhóm cần có người đại diện phát biểu mình rất hay xung phong nói dù biết là mình còn rất kém, nhưng mỗi lần như vậy mình nhận được sự lắng nghe, góp ý của moị người giúp mình tiến bộ nhanh hơn và không ngại nói.
Diễn đạt rõ những gì mình muốn trình bày:
Mình đã từng mắc sai lầm nhiều lần khi nói xong mà người nghe không hiểu? Vậy ý của Thuỷ là gì? Rút kinh nghiệm từ những sai lầm, trước khi trình bày ý mình muốn nói, muốn hỏi mình sẽ dừng lại suy nghĩ trước và sắp xếp lại nội dung câu chuyện rồi mới đem đi trình bày tránh làm mất thời gian của đối phương.
Luôn luôn biết nói lời “Cảm ơn”, “Xin lỗi”
Đây là câu cửa miệng của người Nhật Bản chắc các bạn nghe nhiều nhất phải không? Khi nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào, hay một lon cà phê…các bạn nhất đinh nói lời cảm ơn nhé.
II. KỸ NĂNG HOÀ NHẬP
Để sinh sống, học tập và làm việc ở một đất nước hoàn toàn mới việc thích nghi nhanh chóng và hoà nhập giúp bạn có một cuộc sống dễ chịu hơn.
Việc tìm hiểu về văn hoá, lối sống của người Nhật Bản sẽ giúp bạn hoà nhập nhanh hơn, ví dụ như:
– Không làm ồn, nói chuyện to ở ngoài đường, nơi công cộng, trên tàu điện, trong xe bus…
– Đúng giờ, đúng hẹn: Đúng giờ là văn hoá của người Nhật Bản. Tàu điện, xe bus không trễ 1 phút trừ khi có sự cố xảy ra. Khi đi làm thêm, đi học trên lớp các bạn cố gắng có mặt trước 10 phút sẽ khiến thầy cô, mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn về bạn đấy.
– Sự báo cáo: Khi đi học, đi làm nếu đi trễ hay phải nghỉ hôm đó vì ốm đau… các bạn nhất định báo cáo với người quản lý trên mình chứ đừng im lặng.
– Trung thực: Ôi, đức tính này là quan trọng lắm ấy các bạn. Nhật Bản là đất nước với lòng tự tôn dân tộc rất cao. Họ không làm việc trái với lương tâm và rất tuân thủ theo luật pháp. Vì vậy, khi sinh sống tại đây các bạn phải thực sự trung thực trong mọi tình huống nhé.
– Lễ phép: Văn hoá tôn trọng Senpai, người đi trước rất quan trọng, đặc biệt ở chỗ làm việc.
– Văn hoá xếp hàng: Khi đi thanh toán tiền tại quầy siêu thị, chờ xe bus, tàu điện đến…các bạn nhất định hãy quan sát xem có ai đang đợi trước mình không, đừng chen lấn để nhanh chóng hoàn thành cho xong việc của mình trước.
III. KỸ NĂNG QUẢN LÝ THỜI GIAN
Ngoài việc đi học, tham gia các hoạt động ngoại khoá, các bạn được phép đi làm thêm 28h/tuần.
Nếu như không biết tận dụng thời gian một cách triệt để thì thời gian trôi qua nhanh như một cơn gió. Chớp mắt là 1 năm trôi qua, ngoảnh lại chúng ta vẫn chưa làm được gì, đi học rồi lại đi làm miết.
Đúng là cuộc sống du học như vậy đấy, chả còn cách nào khác chúng ta phải kiên trì, kỷ luật, chăm chỉ và thiết lập thời gian biểu chi tiết cho một ngày tiếp theo. Đừng để thời gian trôi qua một cách lãng phí như: ngồi lướt facebook, xem hài giải trí, săn hàng giảm giá các kiểu…
Cách thiết lập kế hoach cho một ngày: Bạn nên làm việc này từ ngày hôm trước, càng chi tiết càng cụ thể thì càng tốt. Ví dụ thời gian một ngày của mình khi còn đi học:
6:30: Thức dậy
6:45~7:45: Học tiếng Nhật, tra cứu từ vựng cho bài học trên lớp trước
8:00: Ăn sáng
8:30: Ra khỏi nhà, đap xe đến trường.
9:00~12:00: Tập trung 200% sức lực để tiếp thu kiến thức, nếu có bài tập tranh thủ lúc nghỉ giải lao nếu có thể làm được thì làm luôn.
12:30: Về đến nhà, nấu cơm, ăn cơm đến 13:30.
13:45~14:15: Ngủ trưa
14:35: Ra khỏi nhà đi làm
15:00~23:30: Đi làm quán Mcdonal
24:00: Về đến nhà, vệ sinh cá nhân
1:00: Đi ngủ
Ok, ngày mai chiến đấu tiếp nhé!
Việc ghi lại ngày mai mình sẽ cần làm những gì giúp bạn chủ động hơn trong cuộc sống. Chúng ta tỉnh dậy và không biết hôm nay mình phải làm gì, có mục tiêu gì thì thời gian cứ mãi trôi đi vậy đó. Có kế hoạch cụ thể bạn sẽ biết rằng: giờ nào việc nấy và tập trung nhất có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mình đặt ra.
IV. KỸ NĂNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Trên trang cá nhân của mình gần đây mình cũng có viết một số bài về chủ đề tiết kiệm, phương pháp quản lý tài chính. Tại sao mình cứ nói nhiều thế. Trực tiếp được làm việc với các bạn du học sinh hằng ngày, mình thấy vấn đề tiền bạc luôn là những vấn đề rất nan giải, bạn bè vay tiền nhau không trả, không đủ tiền đóng học phí phải về nước…
Vì vây, việc thiết lập kế hoạch tài chính là thực sự rất cần thiết, hiện tại mình vẫn đang làm. Chi phí bao gồm cho 1 du học sinh thường bao gồm:
- Tiền học phí
- Tiền nhà
- Tiền điện, nước, gas
- Tiền điện thoại
- Tiền wifi
- Tiền ăn uống
- Tiền đi lại
- Chi phí phát sinh khác
Sau đây, mình xin viết chi tiết chi tiêu tài chính của mình trong lúc còn đi học:
Mục tiêu của mình là làm thế nào với 28h/tuần mình vừa có thể tự đóng học phí, vừa có thể duy trì các khoản phí khác. Với mục tiêu đó, mình liệt kê ra những gì phải làm và cam kết thực hiện theo đến cùng. Mình đã làm như sau:
Để tránh phát sinh tiền đi lại mình đã tìm 1 combini gần nhà (sau khi nghỉ việc ở McDonal) để làm việc với lương cơ bản là 950y/h, để có thể được làm đủ 28 tiếng/tuần, những việc được giao mình luôn cố gắng hoàn thành nhanh và không xảy ra lỗi. Ở Combini đó, lương buổi sáng từ 5:00~9:00 là 1000y nhưng toàn thiếu nhân viên, vì vậy, mình xung phong đăng ký vào lịch tất cả các buổi sáng từ 5:00~8:30, số tiếng còn lại mình đăng ký các buổi thứ 7 và chủ nhật. Trung bình lương 1 tháng là: 11.0000 yên và mình đã chi tiêu như sau:
– Tiền học phí: 55.000 (mình đóng học phí theo tháng, nhà trường rút tự động cuối tháng)
– Tiền nhà: 18.000
– Tiền điện, nước, gas: 5000
– Tiền điện thoại: 7000
– Tiền wifi: 2500
– Tiền ăn uống: 10.000~15.000
– Tiền đi lại: 0
– Chi phí phát sinh khác: 3000
Còn dư: 4500y/tháng mình sẽ để dành làm việc khác.
Tuy nhiên, với những bạn học Senmon, học lên đại học thì tiền học phí rất cao, thời gian học rất dài, việc đi làm thêm 28h/tuần không thể đủ đóng tiền học phí. Vì vậy, các bạn nên cân nhắc kỹ càng, thảo luận với bố mẹ về tình trạng của mình trước khi đưa ra quyết định chọn trường. Đừng để tiền bạc làm gắng nặng, dẫn đến chán nản, mất định hướng cho tương lai.
V. KỸ NĂNG TRA CỨU THÔNG TIN
Hiện tại, bằng phương tiên Internet, hầu như các bạn có thể tra cứu được hầu như các thông tin. Chúng ta cũng có thể tự học thêm tiếng Nhật, tự học phát triển kỹ năng qua rất nhiều phương tiện, quan trọng là chúng ta có quyết tâm, có thoát khỏi sự lười biếng của bản thân hay không?
Vì vậy, trước khi đi hỏi ai một vấn đề nào hoặc đi giải quyết một thủ tục nào đó mình nghĩ các bạn nên dành thời gian để tìm hiểu, tra cứu để hiểu rõ vấn đề trước tránh sự lừa đảo vì sự thiếu hiểu biết của mình.
Có rất nhiều kênh, trang hướng dẫn, chia sẻ về thông tin cuộc sống Nhật Bản như:
https://www.facebook.com/isenpai/
https://www.facebook.com/sugoimedia/
https://tomonivj.jp/
Bạn nào có thêm nhiều kênh thông tin hay, các bạn chia sẻ để mình bổ sung thêm nhé.
Để đạt được thành công, hạnh phúc trong cuộc sống đòi hòi chúng ta phải không ngừng cố gắng, nỗ lực, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Để vượt lên trên đại đa số, bạn có sẵn sàng làm nhiều hơn thế và kỷ luật với chính mình. Chắc chắn bạn sẽ làm được nếu như bạn đã sẵn sàng bởi “Không ai tốt hơn bạn, không ai thông minh hơn bạn và không ai hiểu rõ bạn hơn chính bạn cả”.
Chúc bạn thành công và có những trải nghiệm thật tuyệt vời trong những năm tháng du học tại Nhật Bản.