Dẫu luôn hiểu bình an hay giông bão đều xuất phát từ lối nghĩ của chính ta, nhưng để điều chỉnh góc nhìn theo hướng tích cực chưa bao giờ là dễ. Cảm xúc con người vốn nhiều tầng nấc, khó điều khiển và kiểm soát. Buồn vui vốn lẽ thường, nếu cứ gồng mình để vui khi thực sự không thế thì càng phản tác dụng. Quan trọng ta hiểu được ngọn nguồn của vui buồn mà thong dong đón nhận. Để vui không kích động quá, mà buồn thì không sầu thảm quá. Có như vậy tâm trí mới không bị khuấy động theo dòng cảm xúc hỗn độn bất thường mà những cơn sóng đời xô tới.
Nếu ta luôn coi công việc là việc phải làm, thì sẽ rơi vào tâm thế bị ép buộc làm theo nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhưng nếu có thể biến công việc thành đam mê, thì ta sẽ luôn sẵn lòng làm nó, thậm chí làm tốt hơn mức ta tưởng tượng. Cảm giác cống hiến và tận hưởng sẽ trở nên đồng nhất khi có đam mê. Nếu có thể, hãy chọn ngay từ đầu việc ta yêu thích. Nếu không thể, hãy mở lòng ra để tìm hiểu sâu sắc ý nghĩa của thứ ta đang làm. Biết đâu tình yêu sẽ dần khai hoa nở nhụy và kết trái đam mê, sớm hơn ta mong đợi.
Con người ta, càng ít nhu cầu thì càng đỡ vất vả. Bởi khi có nhiều nhu cầu, ta phải cố gắng làm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu đó. Rồi khi không đáp ứng được, ta sẽ khó mà thấy vui vẻ bình an. Trong xã hội đề cao vật chất, con người tự biến mình thành nô lệ của đồ vật đến phải nhờ đồ vật vẽ hộ chân dung. Có nhu cầu chính đáng nhưng cũng có nhu cầu vô độ. Quan trọng ta có điều chỉnh được đúng mức các nhu cầu của mình hay không. Nếu biết tiết chế chúng từ trong nhận thức, chắc chắn ta sẽ nhàn hạ hơn rất nhiều.
Không gian là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tinh thần và hiệu quả công việc của mỗi người. Không gian làm việc tĩnh lặng khiến ta muốn bắt tay ngay vào việc. Không gian nhà cửa thoáng sạch quang đãng giúp ta thấy hiền hòa thư giãn. Không gian tràn ngập cây cỏ làm tâm hồn ta bình yên khoan khoái… Không gian tưởng như vô hình nhưng lại có tác động không nhỏ tới tâm trạng mỗi người. Để tinh thần tích cực tươi vui, hãy chủ động tạo ra những không gian mà ta muốn được tận hưởng. Sự sáng tạo sẽ nảy mầm xanh tươi trong không gian mà nó thực sự yêu thích.
Cảm hứng là thứ khá trừu tượng. Trước đây, tôi thường đợi có cảm hứng để làm điều gì đó. Nhưng sau này tôi hiểu, cảm hứng không tự dưng đến, mà ta phải chủ động tạo ra. Như muốn vẽ, xem bức tranh đẹp, sẽ thấy hứng để vẽ. Muốn viết, pha một ly cafe đánh thức sự tỉnh táo. Muốn dọn nhà, mở toang cửa cho ánh sáng tràn vào, bật nhạc lên và nghĩ đến sự dễ chịu khi ở trong căn phòng thoáng sạch. Thật vậy, đừng đợi cảm hứng, hãy tạo cảm hứng. Nếu không: “bạn có thể chờ cho đến khi có cảm hứng, sau đó bạn phải chống gậy mà đi” (Jack London).
Nhân vật Reiko trong “Rừng Nauy” từng viết: Chúng ta là những con người bất toàn sống trong một thế giới bất toàn. Ta không sống với sự chính xác cơ khí của một chương mục ngân hàng, hoặc bằng cách đo đắn mọi đường nét và góc cạnh với thước dây và máy ngắm… Thật vậy, con người là thực thể sống động không hoàn hảo với những nhìn nhận đa chiều. Còn cuộc đời như thước phim được quay ở nhiều góc máy dưới sự soi rọi của bao luồng tư duy riêng biệt. Ta cũng là một ta bất toàn riêng có, đang góp phần làm cho nhịp đập cuộc đời trở nên sống động hơn.
Thường ta hay chú tâm nhìn vào thứ mình chưa có và không được như ý, chứ ít khi nhìn vào những thứ ta đã có và đang suôn sẻ. Vì cứ tập trung nhìn vào điểm thiếu hụt, ta sẽ bị ngập ngụa trong vũng lầy tiêu cực do bản thân tự đào bới. Nên chăng, hãy điều chỉnh điểm nhìn của mình rộng ra. Để thấy cái ta có đang nhiều hơn cái ta thiếu. Để hiểu không nên quá cầu toàn trong đời sống vốn bất toàn này. Để biết hài lòng nhiều hơn, trong đó có một điều hài lòng lớn lao tiên quyết – sự tồn tại kỳ diệu của chính ta trong thế giới này!