Những lúc lâm vào tình trạng stress, tôi thường có rất nhiều giải pháp để khuyên hoặc làm cho ai đó. Chẳng hạn như tôi dẫn họ đi chơi, lượn qua các con phố từ đông đúc, tấp nập đến yên bình, tĩnh lặng, đến các trung tâm thương mại hay đến thư viện, qua thăm các trường đại học khác. Đôi khi tôi khuyên họ hãy thưởng thức một tách trà ấm nóng. Vị thơm dịu, ngọt ngào và pha cả chút đắng chát sẽ đem lại cho người đó cảm giác ấm lòng và thanh bình. Và sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể nhâm nhi tách trà và đọc một cuốn sách đang còn dở dang hoặc một cuốn sách mới mua còn nằm nguyên vẹn trên giá sách. Nếu bạn không thích vị thanh nhẹ của trà mà ưa sự nồng đượm của cà phê thì đó cũng sẽ là một sự lựa chọn rất thú vị. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ không ngần ngại khuyên người đó hay làm bất cứ điều gì mình thích, thậm chí là ngủ hoặc ăn.
Đó là những điều tôi có thể làm khi biết ai đó bị stress. Thế nhưng khi tôi lâm vào tình trạng này, tôi lại không thể nào giải quyết nổi vấn đề của mình dù đã có sẵn trong tay rất nhiều giải pháp. Tôi đi đâu đó cho khuây khỏa nhưng lại không biết mình đang đi đâu và nên đi đâu tiếp theo, điều đó khiến tôi vô định và mong muốn chỉ ở yên một xó nào đó hay một góc khuất để yên tĩnh, trốn tránh hiện tại, trốn tránh đi những vấn đề của bản thân và cả những cảm xúc tiêu cực của mình. Tôi bắt đầu thử cách mà tôi cho rằng nó sẽ rất hiệu quả cho việc giải tỏa sự căng thẳng ở tôi – đó là một tách trà và một cuốn sách. Tôi pha một tách trà thơm mà tôi ưa thích nhưng sau khi pha xong thì tôi lại chẳng buồn uống lấy, dù chỉ là một chút. Tôi mở cuốn sách mình ưa thích để đọc, nhưng chẳng thể đọc nổi lấy một trang sách. Tôi cố gắng ngủ lấy một chút nhưng điều đó chỉ khiến tôi thêm đau đầu và mệt mỏi hơn bao giờ hết. Những báo cáo của khoa, những deadline liên miên, những dự án còn nhiều vướng mắc không lối thoát, v.v… Bao nhiêu nỗi lo bỗng tự nhiên dồn dập hết lên khiến tôi không thể nào giải quyết dù chỉ là một vấn đề nhỏ nhất.
Tôi tự hỏi, liệu có phải chúng ta đang quá tàn nhẫn đối với bản thân mình hay không? Chúng ta đã quá đề cao những công việc trong cuộc sống mà quên đi việc yêu thương, chăm sóc bản thân mình, quên đi những điều bản thân mình mong muốn chăng?
Cuộc sống ngày nay luôn phát triển không ngừng, nó đòi hỏi còn người chúng ta cũng phải thay đổi và phát triển để theo kịp thời đại. Con người của xã hội mới, của thời đại mới luôn phải chủ động, tự tin trang bị rất nhiều kiến thức, kỹ năng mềm để phục vụ cho công việc và đời sống. Nhưng liệu những điều đó có phải là quá tải. Bạn hãy liên tưởng rằng, nếu chúng ta được ví như bánh xe vận chuyển bằng sức nước và cuộc đời là dòng chảy, “đột nhiên bánh xe lại tự ý muốn chặn dòng nước đã giúp nó chuyển động. Bánh xe khi ấy sẽ dừng ngay lại với dòng nước ứ đọng này. Chỉ đến khi dòng nước này được lưu thông tự do thì bánh xe mới tạo ra năng lượng. Con người cũng vậy” (trích Hành trình phương đông – Anlebooks dịch). Chính vì vậy mà chúng ta thường cảm thấy rất nặng nề và lo lắng khi đối mặt với nhiều vấn đề. Bởi chúng ta đã để cho nó ứ đọng lại quá lâu tại một chỗ. Chúng ta luôn cho rằng bản thân mình có rất nhiều thời gian, tin vào khả năng mình có thể giải quyết được chúng ngay lập tức và chúng chỉ là những công việc đơn giản. Tuy nhiên, công việc dù nhỏ hay đơn giản như thế này chỉ cần chúng ta để dồn nó lại thì nó sẽ lớn dần theo thời gian và tính chất công việc sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nó ví như cách bạn để cho một vài giọt nước nhỏ giọt lên trán bạn, bạn sẽ chẳng cảm thấy gì nhưng sẽ rất kinh khủng nếu bạn để những giọt nước ấy cứ tiếp tục nhỏ từng giọt từng giọt một trong một tiếng. Nó có thể sẽ khiến bạn phát điên lên và stress vô cùng nặng nề.
Đó chính là những điều xảy ra do bạn quá nghiêm khắc với bản thân, ép buộc bản thân phải hoàn thành nhiều điều cùng một lúc. Đồng thời đó cũng là do bạn đã quá buông thả, nuông chiều bản thân, để cho mọi chuyện đi quá xa khiến bạn không thể kiểm soát được. Bạn buông thả, để mặc cho thời gian trôi đi một cách vô ích để rồi đồn tất cả vào cuối để làm. Liệu kết quả bạn đạt được có hoàn toàn tốt nhất hay chỉ mang tính chất tạm thời và cho có để kịp với deadline của bạn?
Chính vì vậy, cuộc sống này đòi hỏi chúng ta phải vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã có theo dòng chảy của cuộc sống một cách đều đặn.