Ah thì, chỉ cần biết chữ, đặt bút xuống viết hoặc gõ chữ trên máy vi tính là viết được thôi! Ngày nay, người ta viết hằng ngày, những status ngăn ngắn so deep trên facebook chứ gì!
Cũng đúng! Nhưng để bài viết viết ra được sâu sắc, diễn đạt được hết tâm ý của người viết và được người đọc đón nhận, lại là một câu chuyện khác.
Từ hồi đi học, mình luôn nằm trong top học sinh giỏi văn của lớp của trường. Hồi đó cảm giác cứ đặt bút xuống là viết, câu chữ cứ tự động tuôn ra, cho dù là viết tập làm văn hay viết nhật ký, viết tản văn theo ý thích. Hồi đó, viết với mình là chuyện vô cùng đơn giản.
Lớn lên, mình từ bỏ viết. Từ chuyện chọn ngành học khoa học tự nhiên đến quyết định Nam tiến, dấn thân và hòa nhập với cuộc sống nhanh vội ở Sài Gòn hoa lệ, cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền và bao áp lực công việc dồn nén, mình không còn thời gian để viết nữa. Mỗi ngày của mình là một vòng lặp nhạt nhẽo nhàm chán: sáng thức dậy sớm, đi dạy, thời gian rảnh thì tranh thủ soạn giáo án và hoàn thành cả trăm thứ việc sổ sách không tên ở trường, giải quyết công việc chủ nhiệm lớp (chính là la mắng học sinh), trao đổi với phụ huynh và cuối cùng là kết thúc một ngày trong mệt nhoài. Cả năm trời cũng không đọc gì ngoài sách giáo khoa.
Bây giờ quay trở lại để viết, mình thấy khó khăn hơn hẳn hồi xưa. Không phải là con chữ mượt mà hay bố cục mạch lạc. Vấn đề chính là mình cạn kiệt ý tưởng và cảm xúc!
Bởi vì, không phải con chữ, cốt lõi của một bài viết chính là ý tưởng. Chữ nghĩa chỉ là phương tiện để diễn đạt ý tưởng. Bởi vậy, ý tưởng mới lạ, hay ho và có giá trị mới là nền tảng để một bài viết được nhiều người công nhận.
Vậy, ý tưởng ở đâu ra? Chính là ở kiến thức và trải nghiệm của người viết. Một bài viết tốt phải là bài viết mang đến giá trị cho độc giả. Giá trị đó có thể là cung cấp kiến thức hoặc khơi gợi được cảm xúc cho người đọc. Vậy nên, cần thiết tác giả phải có một vốn sống phong phú, có kiến thức về lĩnh vực mình viết và thật nhiều trải nghiệm trong cuộc sống thì mới có thể thổi hồn vào bài viết. Một bài viết của người có vốn sống sẽ sâu sắc khác biệt với những bài viết hời hợt, và người đọc có thể nhận ra ngay lập tức, mà không thể dùng những thứ như từ ngữ bóng bẩy hay bất cứ kĩ thuật nào để che giấu.
Mà thì, kiến thức và trải nghiệm, tâm hồn và cảm xúc là những thứ không phải thuộc về năng khiếu để sinh ra đã có; cũng không thể được tạo nên chỉ trong ngày một ngày hai. Nó là kết quả của một quá trình bồi dưỡng, hun đúc chăm chỉ và đều đặn.
Con chữ như tấm gương phản ánh con người. Tâm hồn bạn nghèo nàn hay phong phú, hiểu biết của bạn sâu sắc hay hời hợt sẽ được bộc lộ rõ ràng qua các bài viết của bạn. Vậy nên để viết tốt, người viết phải không ngừng học hỏi và rèn luyện mỗi ngày để mở rộng vốn hiểu biết cá nhân, tìm hiểu tường tận nhiều ngóc ngách của các vấn đề xã hội, không ngừng quan sát từ những điều nhỏ nhất. Đi nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều, làm nhiều để nuôi dưỡng tâm hồn.
Bởi, viết nói chung và nghề viết nói riêng, nói dễ thì dễ mà nói khó thì cũng khó lắm đa!